Có rất nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy ở heo con vì vậy việc hiểu, xác định đúng nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp chúng ta dễ dàng xử lý và đưa ra những giải pháp để kiểm soát bệnh được tốt hơn.
Heo con theo mẹ bị tiêu chảy gây thiệt hại kinh tế nặng nề
Heo con bị tiêu chảy gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho người chăn nuôi, ảnh hưởng tới cả quá trình chăn nuôi heo. Nếu bệnh ở thể cấp tính thường làm chết heo dẫn tới hao hụt đầu con nhiều. Tuy nhiên nếu tiêu chảy ở heo con được điều trị khỏi, hay bệnh ở thể mãn tính thì hệ thống tiêu hóa của heo con cũng bị tổn thương do đó ảnh hưởng lớn tới sức tăng trưởng của heo → điều này còn gây thiệt hại kinh tế lớn hơn việc thiệt hại đầu con ngay ở giai đoạn nhỏ.
Hội chứng tiêu chảy ở heo con có rất nhiều nguyên nhân:
- Do virus: có thể gây bệnh toàn thân nhưng tiêu chảy là một biểu hiện của bệnh như: PRRS, giả dại, dịch tả… Một số gây bệnh chủ yếu trên đường tiêu hóa như; Rotavirus, virus gây bệnh PED, TGE …
- Do vi khẩn: Cũng giống như virus nhưng thiệt hại thường không lớn bằng do có thể kiểm soát được – điều trị bằng kháng sinh.
- Do ký sinh trùng: bệnh cầu trùng
- Do các tác nhân môi trường, dinh dưỡng, chăm sóc cũng là những yếu tố thường xuyên gây tiêu chảy ở heo con.
Các tác nhân này có thể tác động trực tiếp từ môi trường vào heo con gây bệnh hoặc thông qua heo mẹ sau đó truyền độc tố hay xâm nhập qua sữa để gây tiêu chảy ở heo con.
Trong bài này chúng ta chỉ bàn tới 5 tác nhân nguy hiểm nhất, thường gặp gây thiệt hại nặng nề nhất trong chăn nuôi heo con và đưa ra một số giải pháp kiểm soát bệnh:
– Cầu trùng
– Clostridium
– E.coli
– Rotavirrus
– TGE – PED
1. Bệnh cầu trùng gây tiêu chảy ở heo con
Bệnh cầu trùng thường gây tiêu chảy ở heo con sau 5 ngày tuổi sau khi sinh, phân của heo mắc cầu trùng thường không có máu nhưng có thể có nhiều màu sắc khác nhau: trắng, vàng, xanh lá cây hoặc màu nâu và thay đổi màu sắc thường xuyên. Để chẩn đoán bệnh này chúng ta nên gửi mẫu tới phòng xét nghiệm để kiểm tra hoặc soi kinh hiển vi để tìm trứng ở trong phân.
Hiện nay bệnh cầu trùng gây tiêu chảy ở heo vẫn được điều trị – kiểm soát hiệu quả bằng kháng sinh nhỏ miệng.
Để kiểm soát bệnh này chúng ta có thể phun thuốc khử trùng chuồng trại định kỳ – có khả năng phá hủy cả trứng cầu trùng.
2. Clostridium gây tiêu chảy ở heo con
Clostridium perfringens tuyp C thường gây viêm ruột fibrin nặng ở heo con sơ sinh hay trong thời gian theo mẹ. Bệnh có biểu hiện phân thường đen hoặc có lẫn máu và thường gây chết nhanh với tỷ lệ cao. Clostridium perfringens tuyp A thường tồn tại mãn tính, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và có biểu hiện khá giống với bệnh cầu trùng gây tiêu chảy ở heo con.
Heo hồi phục sau khi mắc bệnh tiêu chảy ở heo con do Clostridium gây ra thường phát triển không đồng đều.
Để chẩn đoán bệnh thường dựa vào các biểu hiện lâm sàng (triệu chứng, bệnh tích), phương pháp mô bệnh học hay thử độc tố.
Hiện tại Amoxicillin đang là kháng sinh mẫn cảm và điều trị hiệu quả nhất. Các chất khử trùng có khả năng diệt khuẩn nên được lựa chọn trong việc kiểm soát bệnh này.
Do mức độ nguy hiểm và gây thiệt hại kinh tế lớn như vậy, việc phát triển vaccine sống chống lại Clostridium perfringens tuyp C đang được phát triển.
3. Bệnh E.coli gây tiêu chảy ở heo con.
E.coli vẫn là tác nhân phổ biến nhất gây hiện tượng tiêu chảy ở heo ở mọi lứa tuổi, mặc dù vaccine phòng e.coli đã được đưa vào từ năm 1980 nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự rõ rệt.
Sử dụng kháng sinh để phòng và điều trị e.coli khá rẻ và hiệu quả, tuy nhiên e.coli rất nhanh kháng thuốc do đó cần thường xuyên kiểm tra kháng sinh đồ để có sự thay đổi và điều chỉnh sao cho phù hợp.
4. Nguyên nhân Rotavirus gây bệnh tiêu chảy ở heo con.
Rotavirus thường gây tiêu chảy nhẹ ở giai đoạn 10 – 14 ngày trở lên. Thời tiết lạnh và miễn dịch của heo bị suy giảm sẽ là cơ hội của Rotavirus.
Để chẩn đoán Rotavirus chính xác nên dùng phương pháp PCR hoặc phương pháp chẩn đoán mô bệnh học.
Bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả bằng vaccine (lịch tiêm: tiêm cho heo mẹ 2-3 tuần trước khi đẻ và đảm bảo kháng nguyên được truyền cho con) và giữ cho chuồng nuôi luôn khô ráo, ấm áp.
5. Coronavirus gây bệnh tiêu chảy ở heo con
Bệnh viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (TGE) và bệnh tiêu chảy cấp (PED) có những biểu hiện khá giống nhau đều có nguyên nhân là những tác nhân thuộc họ Coronvirrus, chúng thường phá hủy các tế bào niêm mạc ruột (các tế bào hấp thu ở nhung mao ruột).
Hầu hết các độ tuổi của heo đều có thể mắc 2 bệnh này, tuy nhiên bệnh thường xuất hiện ở heo con và gây chết với tỷ lệ rất cao.
Bệnh thưởng xảy ra ở heo con <30 ngày, bị suy giảm miễn dịch và điều kiện vệ sinh không được tốt. Bệnh PED được phát hiện ở Anh (1977), Canada (1980) và sau đó là khắp châu Âu, châu Á và cả châu Mỹ. TGE có tỷ lệ chết cao hơn rất nhiều so với PED nhưng thường ít được ghi nhận trong thực tế.
Cả 2 bệnh đều phát triển mạnh ở thời tiết lạnh, khi sức đề kháng của heo con giảm mạnh. Tuy nhiên hiện nay bệnh đã xuất hiện quanh năm.
Để chẩn đoán bệnh chúng ta dựa vào phương pháp mổ khám và PCR.
Hiện đã có vaccine để kiểm soát 2 bệnh này, nhưng chưa được các hộ chăn nuôi sử dụng nhiều.
Hiện nay phương pháp autovaccine vẫn được áp dụng cho 2 bệnh này, sau 2 – 3 tuần kháng thể được tìm thấy và có khả năng bảo hộ bệnh.
Thường để điều trị bệnh chúng ta cần bổ sung điện giải bằng đường truyền hoặc tiêm phúc mác kết hợp tiêm kháng sinh phổ rộng để phòng các bệnh kế phát.
PED còn được tìm thấy trong sữa mẹ (truyền từ mẹ sang con thông qua sữa) đây cũng là một nguyên nhân gây tỷ lệ chết ở bệnh này luôn ở mức cao.
Kết luận:
Kiểm soát chung các bệnh gây tiêu chảy cho heo con thường liên quan mật thiết tới việc vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, môi trường khô ráo, đủ ấm và thông thoáng, đồng thời cần chăm sóc – quản lý heo nái thật tốt.
Với E.coli nên hạn chế dùng kháng sinh phòng mà nên áp dụng các biện pháp an toàn sinh học cần thiết để kiểm soát bệnh và tránh hiện tượng kháng kháng sinh.
Thực hiện an toàn sinh học nghiêm ngặt bao gồm; vệ sinh xe vận chuyển, cách ly con giống mới nhập và thay đổi dụng cụ chăn nuôi thường xuyên (quần áo, giày dép …)
Việc lựa chọn chất khử trùng cũng giúp chúng ta kiểm soát bệnh được hiệu quả hơn.
Chẩn đoán sớm cũng là một yếu tố then chốt giúp kiểm soát các bệnh gây tiêu chảy trên ở heo.
Theo wattagnet